Từ giữa năm 2023 đến nay, cán bộ, nhân viên thú y thuộc Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đã phẫu thuật thành công nhiều động vật quý hiếm như chồn bạc má, kỳ đà vân, khỉ…bị trọng thương do dính bẫy trong rừng.
Động vật quý hiếm sau khi phẫu thuật, được chăm sóc kỹ, theo dõi sức khỏe hàng ngày. Có loài động vật quý hiếm cận kề "cửa tử" sau nhiều giờ được cắt bỏ những phần thịt hoại tử, băng bó vết thương, bồi dưỡng thức ăn…đã có thể hồi phục hoàn toàn.
Chùm ảnh một số động vật quý hiếm được phẫu thuật thành công và hiện đang được chăm sóc, bảo vệ tại Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk.
Con kỳ đà vân thời điểm dính bẫy bị dập nát 2 chân, có dấu hiệu hoại tử. Loài động vật quý hiếm này có tên khoa học là Varanus nebulosus, sinh sống chủ yếu tại Quảng Trị, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai,..
Theo lãnh đạo Phòng Cứu hộ động vật hoang dã (Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk), sau khi phẫu thuật, cắt bỏ toàn bộ phần chân bị hoại tử phải truyền nước, truyền chất đạm và theo dõi, chăm sóc gần 100 ngày, con kỳ đà vân mới có thể khỏe trở lại.
Kỳ đà vân hiện nay đã bình phục hoàn toàn, ăn uống tốt.
Chồn bạc má được phát hiện khi dính bẫy trong rừng, toàn bộ phần nách của nó đã dập nát, hoại tử.
Ông Lê Văn Hồng, phụ trách Phòng Cứu hộ động vật hoang dã (Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk) cho biết, các cán bộ, nhân viên thú y phải thực hiện 3 cuộc phẫu thuật để giúp con chồn bạc má vượt qua nguy hiểm.
Sau 3 cuộc phẫu thuật, 5 tháng được chăm sóc, con chồn bạc má này đã khỏe lại.
Sau khi được chăm sóc, chồn bạc má vào hốc cây. Đây là động vật quý hiếm chủ yếu sống ở bìa rừng, hoặc khu vực đồi núi. Thức ăn của chúng gồm: giun đất, dế, cua, ốc, nhái...
Mỗi ngày, ông Lê Văn Hồng đều theo dõi sức khỏe, tình trạng ăn uống của các động vật quý hiếm đã được phẫu thuật, cứu chữa thành công.
Một con khỉ bị thương do dính bẫy cách đây không lâu cũng đã được xử lý vết thương thành công.
Hiện nó đã bình phục hoàn toàn
Ông Mai Thành Nhân, cán bộ thú y thuộc Phòng Cứu hộ động vật hoang dã (Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk) chăm sóc và cho đàn rùa rừng ăn. Theo ông Nhân, người làm công tác cứu chữa và chăm sóc các loại động vật quý hiếm cần phải có tình yêu với động vật.
Một con tê tê bị thương được ông Mai Thành Nhân trực tiếp xử lý và chăm sóc